Mối Liên hệ Thật sự của Chủ nghĩa Tư bản và Môi trường

0
382
The Real Relationship Between Capitalism and the Environment

01/12/2018 – Daniel Fernández Méndez
Người dịch: Try Not To Luck (07/04/2022)

“Chủ nghĩa tư bản không thích hợp cho việc bảo tồn môi trường. Nơi có nhà nước có quyền lực lớn và tự do kinh tế bị kiềm chế thì môi trường mới đạt được chất lượng tốt.” Và những câu nói được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến cho chúng ta tin chúng là thật.

Dù chỉ giải thích được một mặt của vấn đề, nhưng ta có tiêu biểu 2 lý thuyết đối nghịch nhau:

  1. Sự phát triển và mức tiêu thụ lớn hơn gây áp lực lên môi trường. Sự phát triển của con người ngày càng lớn dần nhưng tài nguyên môi trường thì lại có giới hạn. Tự do kinh tế cũng đồng nghĩa là các công ty sẽ không quan tâm tới hệ sinh thái mà họ đang phá hủy để tăng thị phần và lợi nhuận của họ. Những quan điểm này liên quan đến sinh thái chính trị và chủ nghĩa xã hội sinh thái.
  2. Tự do kinh tế lớn hơn kéo theo sự phát triển lớn hơn, do đó dẫn đến chất lượng môi trường cao hơn vì người tiêu dùng đòi hỏi nó. Hơn nữa, việc bảo vệ các quyền tài sản đảm bảo rằng các tác động bên ngoài môi trường được giảm thiểu. Quan điểm này liên quan đến kinh tế học và các chương trình học kết hợp kinh tế học và chủ nghĩa môi trường.

Để tìm hiểu lý thuyết nào thực tế nhất, chúng tôi đã phân tích dữ liệu về tự do kinh tế và chất lượng môi trường.

Dữ Liệu Nói Lên Điều gì?

Khi gộp chung dữ liệu chất lượng môi trường với dữ liệu tự do kinh tế, chúng tôi thấy nó đem đến một kết luận rất khác. Các quốc gia có nhiều tự do nhất là những quốc gia có chất lượng môi trường cao nhất. Dường như không có sự đánh đổi giữa chất lượng môi trường và phát triển kinh tế – thay vào đó, nó cho thấy điều ngược lại.

Khi xếp hạng các quốc gia từ tự do nhất đến ít tự do nhất (chia đều 25%), chúng tôi quan sát cách các quốc gia có xếp hạng tự do kinh tế cao nhất là những quốc gia có điểm số cao nhất trong Chỉ số Hiệu quả Môi trường (Environmental Performance Index).

Nguồn: Tổ chức Di sản. Yale.edu. Không có quốc gia nào có số điểm trong Chỉ số chất lượng môi trường thấp hơn 35 điểm.

Biểu đồ phân tán cho thấy mối quan hệ giữa tự do kinh tế và hoạt động môi trường là tương quan thuận. Mỗi chấm xanh trong biểu đồ là 1 quốc gia.

Nguồn: Tổ chức Di sản. Yale.edu.

Phân tích hồi quy cho thấy: tăng 1 điểm trong Chỉ số Tự do Kinh tế -> tăng 0,96 điểm trong Chỉ số Hiệu quả Môi trường. Mối tương quan thuận không thể rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các biến này không phải là bất di bất dịch. Bởi chất lượng môi trường có thể xấu đi do các chính sách Tự do Kinh tế về lâu dài. Để kiểm chứng, chúng tôi đã kiểm tra Chỉ số Hiệu suất Môi trường ở mức trung bình của Chỉ số Tự do Kinh tế trong 15 năm qua. Mỗi chấm đại diện cho một quốc gia.

Chỉ số Tự do Kinh tế (Trung bình 15 năm) và Chỉ số Hiệu quả Môi trường
Nguồn: Heritage Foundation. Yale.edu

Ta có thể thấy rằng  các quốc gia có kinh tế càng tự do, về lâu dài, sẽ có hiệu quả môi trường càng tốt hơn.

Vấn đề Ô nhiễm

Người ta có thể phản biện lại quan điểm vừa nêu rằng: các nước tự do kinh tế hơn – và thịnh vượng nhất – đang “xuất khẩu” các ngành công nghiệp gây ô nhiễm của họ sang thế giới thứ ba, những nơi ít tự do hơn, trong khi vẫn giữ các ngành công nghiệp không gây ô nhiễm ở đất nước của họ. Các công ty lớn có trụ sở ở thế giới thứ nhất sẽ lợi dụng sự thất bại của chính phủ các nước đang phát triển, gây ô nhiễm ở đó nơi họ không thể trở về quê nhà.

Để kiểm chứng luận điểm vừa nêu, chúng tôi tin rằng các nước có dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài càng lớn thì sẽ có Chỉ số Hiệu quả Môi trường thấp. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài và Chỉ số Hiệu quả Môi trường.
Nguồn: Ngân hàng Thế giới. Yale.edu

Lời chỉ trích phía trên dường như thiếu bằng chứng. 2 vế họ đưa ra không có mối liên hệ với nhau, vì không thể dựa mức đầu tư trực tiếp nước ngoài mà xác định được mức độ hiệu quả môi trường. Ta không thể chứng thực được rằng các quốc gia tự do – và giàu có – “xuất khẩu” ô nhiễm của họ bằng cách chuyển các công ty sang các quốc gia ít tự do hơn. Tuy vậy, ta vẫn có thể khẳng định rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn sẽ “xuất khẩu” các thông lệ tốt về môi trường sang các nước đang phát triển.

Nếu ta phân tích đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia có hiệu quả môi trường rất cao – trên 85 điểm trong chỉ số – và các quốc gia có hiệu suất môi trường rất kém – dưới 50 điểm trong chỉ số – ta sẽ thấy rằng các quốc gia có hiệu quả môi trường cao hầu như không đầu tư vào các quốc gia có hiệu quả môi trường thấp. Dưới 0,1% đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước “sạch hơn” đến các nước “bẩn hơn”. Trong số 25 quốc gia “sạch”, 14 quốc gia khoản đầu tư bằng zê-rô vào các quốc gia “bẩn hơn”. Trong số 11 quốc gia còn lại, chỉ có một công ty vượt quá 5% đầu tư vào các quốc gia “bẩn”. Chỉ có 2 quốc gia phân bổ hơn 1% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của họ cho các quốc gia “bẩn nhất”.

% của FDI từ các quốc gia sạch nhất tới các quốc gia có chất lượng môi trường thấp
Nguồn: OECD. ONU (Unctad.org)

Tóm lại, các quốc gia hủy hoại môi trường làm như vậy một mình hoặc với sự đầu tư của các quốc gia cũng hủy hoại môi trường của chính họ. Hầu hết đầu tư của các nước “sạch” hướng tới các nước “sạch” khác. Ô nhiễm không được “xuất khẩu” từ các nước giàu sang các nước nghèo.

Thế còn Đầu tư vào Khai thác Dầu mỏ, Khoáng sản và Khí đốt?

Người ta hay nói các ngành công nghiệp khai thác có xu hướng gây ô nhiễm và suy thoái môi trường hơn so với các ngành còn lại. Hơn nữa, lĩnh vực này thường có mặt trên những bản tin không mấy tốt đẹp. Nếu tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không liên quan đến chất lượng môi trường, vậy việc đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành khai thác, có thể tác động xấu đến môi trường.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới. Investmentmap.org. (Cột dọc là chỉ số Hiệu quả Môi trường, cột ngang là đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực khai thác [% GDP]. Mỗi chấm tương ứng mỗi quốc gia)

Lần này chúng ta thấy một đường có xu hướng tiêu cực nhẹ. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện phân tích hồi quy (là đường xu hướng này dựa trên cơ sở nào) thì mối quan hệ giữa các biến không có ý nghĩa thống kê – nói cách khác, không có mối quan hệ nào giữa các biến.

Ngay cả khi có sự tự do kinh tế lớn hơn ở nước nhận đầu tư, thì việc đầu tư lớn vào các ngành công nghiệp khai thác cũng không làm suy giảm môi trường.

Tương quan không phải là nhân – quả

Chỉ trích hay nhất mà ta có thể nhận được từ bài viết này là: “Được, nhưng các dữ liệu vừa đưa ra không chứng minh được điều gì, nó chỉ cho thấy sự tương quan và không cho thấy mối quan hệ nhân-quả.”

Thật vậy, quan hệ nhân – quả được giải thích bằng một lý thuyết hoặc một tập hợp các mối quan hệ logic nhằm mục đích hợp nhất các sự kiện khác nhau và định hình cho một thế giới phức tạp được coi là hỗn loạn. Hay nói cách khác, dữ liệu không thể tự mình nói lên điều đó, nó được giải thích thông qua các lý thuyết.

Có những lý thuyết cho rằng các quốc gia tự do nhất, bên cạnh những quốc gia thịnh vượng nhất, có xu hướng chăm sóc môi trường tốt hơn. Ngược lại, ta có những lý thuyết nói rằng: tự do kinh tế càng lớn, môi trường càng suy thoái. Cả hai lý thuyết đều dựa trên các quan điểm thế giới đối lập, điều thú vị nhất là khi đối chiếu chúng với dữ liệu có sẵn. Và khi thông qua dữ liệu , có vẻ như lý thuyết thực tế hơn chính là lý thuyết nói rằng tự do kinh tế tốt hơn tạo ra kết quả tốt hơn về môi trường. Mối quan hệ này không phải là không thể bác bỏ; chất lượng môi trường tốt hay không còn phụ thuộc vào nhiều biến số khác. Tuy nhiên, rõ ràng là khi chủ nghĩa tư bản tiến bộ, chất lượng của môi trường vật chất cũng vậy.

Kết Luận

Với các dữ liệu được phân tích, chúng ta có thể thấy rằng chủ nghĩa tư bản phù hợp với môi trường. Tự do kinh tế càng lớn thì các chỉ số chất lượng môi trường càng tốt.

Các quốc gia “sạch hơn” không xuất khẩu ô nhiễm của họ bằng cách di dời các công ty. Trên thực tế, các quốc gia “sạch hơn” thậm chí không đầu tư vào các quốc gia “bẩn nhất”.

Bài viết gốc của tác giả Daniel Fernández Méndez: https://mises.org/wire/real-relationship-between-capitalism-and-environment

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here