Kiểm soát giá cả có chống được lạm phát?

0
146

Trong những năm gần đây, nỗi sợ về lạm phát và nguy cơ suy thoái đã thống lĩnh các mặt báo, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Trong một bài báo gần đây được đăng trên tờ The Washington Post, sử gia Meg Jacobs và kinh tế gia Isabella Weber đề xuất một giải pháp thay thế thay vì chống lại lạm phát bằng cách tăng lãi suất và đối mặt với rủi ro nguy cơ suy thoái trầm trọng, Jacobs và Weber lập luận rằng việc kiểm soát giá cả là một phương tiện hiệu quả hơn để ngăn chặn lạm phát. Như họ lập luận, mặc dù các biện pháp “kiểm soát giá cả” có tai tiếng về mặt chính trị và những ghi nhận hỗn tạp về mức độ hiệu quả của nó , nhưng có một trường hợp khi mà chúng đã hoạt động hiệu quả vào một trong những thời khắc lịch sử quan trong nhất của nước Mỹ – Đệ nhị Thế chiến. Và sự khác biệt giữa trường hợp đó những thất bại của nó sau đó, “chẳng hạn như việc Nixon thực hiện các biện pháp kiểm soát tiền lương và giá cả trong những năm 1970″ cho thấy cách các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng công cụ này một cách hiệu quả”.

Liệu rằng việc kiểm soát giá có “hiệu quả” để chống lại lạm phát hay không, câu hỏi có hàm ý rộng hơn đối với sự hiểu biết của chúng ta về lý thuyết giá cơ bản. Như tôi lập luận bên dưới, cách duy nhất để kiểm soát giá cả “hiệu quả” để chống lại lạm phát là khi giá cả cung cấp các mệnh lệnh điều phối để giải quyết một vấn đề công nghệ. Tuy nhiên, chức năng thực sự của giá cả là cung cấp các tín hiệu chỉ dẫn để giải quyết một vấn đề kinh tế trong việc phân bổ các nguồn lực hữu hạn theo định giá của chúng trong vấn đề về cạnh tranh tiêu dùng. Thực chất, quan điểm của tôi không phải là để tranh luận liệu Jacobs và Weber có nhận thức được sự khác biệt này hay không. Mà đúng hơn là để minh họa, từ chính quan điểm của họ, cách duy nhất mà trong đó lập luận của họ là “đúng”, đó là tự vỗ ngực tuyên bố rằng kiểm soát giá có thể chống lại lạm phát bằng miệng.

Bản chất cơ bản của một vấn đề công nghệ đó là sự phân bổ nguồn lực có sẵn cho một mục tiêu nhất định. Trong bối cảnh Đệ nhị Thế chiến, Văn phòng Quản lý Giá cả và Cung ứng Dân sự, được thành lập vào năm 1941, và được kế nhiệm bởi Văn phòng Quản lý Giá (OPA) từ năm 1942 đến năm 1946, đã thành công trong việc bãi bỏ định giá của tất cả hàng hóa và dịch vụ theo nguyên tắc của thị trường tự do. Mặc dù Hoa Kỳ đã không chính thức bãi bỏ quyền tư hữu trong thời gian này, nhưng trên thực tế, việc kiểm soát giá cả đã tạo ra một hạn chế trong khả năng giao dịch và xung đột với nguyên tắc đồng thuận các bên, mà như vậy trên thực tế là xâm phạm quyền tư hữu. 

Hệ quả là, việc kiểm soát trên thực tế các yếu tố sản xuất (tức là đất đai, lao động, vốn và các phương tiện sản xuất khác) thông qua các biện pháp kiểm soát giá do OPA và các cơ quan chính phủ khác quản lý đã thay thế cơ chế thị trường tự do và qua đó quân sự hóa nền kinh tế Hoa Kỳ vì một mục đích duy nhất: đánh bại phe Trục. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chiến tranh tổng lực, việc định giá các yếu tố sản xuất không bắt nguồn từ việc định giá cạnh tranh giữa những người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ cuối cùng. Thay vào đó, các mục tiêu và kế hoạch của các cá nhân (người tiêu dùng và người sản xuất) bị thay thế bởi một vấn đề công nghệ: phân bổ nguồn lực để tiêu diệt kẻ thù. Như Friedrich A. Hayek giải thích về điểm này:

Những vấn đề mà bên chỉ đạo tất cả các hoạt động kinh tế của một cộng đồng phải đối mặt sẽ chỉ tương tự như những vấn đề được giải quyết bởi một kỹ sư nếu thứ tự ưu tiên các nhu cầu khác nhau của cộng đồng được cố định một cách rõ ràng và tuyệt đối mà những yêu cầu đưa ra luôn luôn có thể được thực hiện bất kể chi phí. Nếu nó là khả thi, thì đầu tiên anh ta có thể quyết định cách tốt nhất để sản xuất các mặt hàng thiết yếu, chẳng hạn như thực phẩm, nhu cầu quan trọng nhất, như thể đó là nhu cầu duy nhất, và sẽ chỉ sản xuất các mặt hàng khác, chẳng hạn như quần áo, khi và chỉ khi nào nhu cầu về thực phẩm đã được đáp ứng đầy đủ và một vài nguồn lực thừa ra, thì khi đó sẽ không có vấn đề kinh tế. Bởi trong trường hợp như vậy, không có gì bị thừa mứa ngoại trừ những thứ không thể sử dụng cho nhu cầu đầu tiên, hoặc vì nó không thể biến thành thực phẩm hoặc vì không có nhu cầu về thực phẩm nữa. Tiêu chí chỉ đơn giản là liệu có thể sản xuất tối đa lượng thực phẩm không hay là việc áp dụng các phương pháp khác nhau có thể không dẫn đến sản lượng lớn hơn không (nhấn mạnh đã được thêm vào, 1935, trang 5-6).

Ngược lại, những bài học mà Jacobs và Weber ngộ nhận là đang rút ra về vai trò của việc kiểm soát giá cả từ Đệ nhị Thế chiến không liên quan gì đến vấn đề kiểm soát lạm phát ngày nay, vì ví dụ về “mức độ thành công” của họ đã phủ nhận vai trò của giá cả thị trường trong việc giải quyết một vấn đề kinh tế: phân bổ các nguồn lực hữu hạn cho nhiều mục đích sử dụng của người tiêu dùng và thường mâu thuẫn với nhau. “Chìa khóa để bình ổn giá cả,” Jacobs và Weber lập luận, “trong chính trị: một liên minh mạnh mẽ và cam kết xã hội vững chắc là yếu tố quan trọng để thực hiện hiệu quả các biện pháp có chọn lọc để kiểm soát lạm phát”. Tuy nhiên, sự kiểm soát của chính phủ nghe có vẻ hoa mỹ, nhưng nó không thể che giấu thực tế rằng giá cả ở đây là để hoạt động giống như một tập hợp các mệnh lệnh điều phối được chỉ định từ trên xuống mà các cá nhân phản ứng một cách thụ động để thực hiện một mục đích duy nhất.

Quan điểm của tôi ở đây không lập luận rằng lạm phát đã thực sự được kiểm soát trong Đệ nhị Thế chiến, như cách mà Jacobs và Weber khẳng định. Mà thay vào đó là để chỉ ra rằng cách duy nhất để lập luận của Jacobs và Weber có giá trị là khi bên cung và bên cầu bị định giá theo cách hoàn toàn thụ động. Giả thiết tiềm ẩn này không chỉ cho thấy mức độ phi thực tế của lập luận này cho việc khắc phục lạm phát ngày nay, mà còn chứng tỏ sự bất hợp lý của nó trong trường hợp Thế chiến thứ hai bởi vì hậu quả đi kèm của việc kiểm soát giá cả đã hoàn toàn không được đề cập. Simon Kuznets, người đoạt giải Nobel Kinh tế cho công trình đo lường GDP, đã giải thích trong phần kết về Đệ nhị Thế chiến trong cuốn sách của ông, cuốn Quốc Phẩm thời chiến. Ông đã lập luận và bày tỏ những sự hoài nghi lớn về điều này, rất giống với cái mà Jacobs và Weber đã tuyên bố ở thời điểm hiện tại, và áp dụng nhiều vào viễn cảnh kiểm soát giá cả kiểm soát lạm phát ngày nay:

Chỉ số giá không phản ánh đầy đủ sự suy giảm chất lượng của hàng hóa và dịch vụ; “đẩy giá” dưới hình thức thêm các yếu tố bề ngoài và không mong muốn vào hàng hóa, phần lớn là để nâng nó vào khung giá cao hơn mà không vi phạm các quy định về giá; việc giảm chiết khấu hoặc các dịch vụ đã được cấp trước đây liên quan đến các mặt hàng lâu bền dẫn tới việc định giá trên thị trường chợ đen và những tác động chung của việc thu hẹp quyền tự do lựa chọn đối với một phần những người mua hàng thường là dân thường (Kuznets 1945, trang 39).

Điều Kuznets nhấn mạnh là quá trình điều chỉnh mà giá cả tạo ra trong một cục diện mà ở đó có lượng tiền nhiều hơn là lượng hàng hóa (tức là lạm phát). Người tiêu dùng cạnh tranh với nhau bằng cách yêu cầu mức giá cao hơn, và rồi sau đó đến lượt người sản xuất hàng hóa đó (tức là người sử dụng các nguồn tài nguyên hữu hạn) sẽ cạnh tranh với nhau bằng cách đưa ra mức giá cao hơn để đáp ứng với sự định giá của người tiêu dùng đó. Nếu giá cả không được phép đáp ứng các nhu cầu cạnh tranh như vậy để giải quyết vấn đề kinh tế chỉ vì các biện pháp kiểm soát giá được thực hiện, thì sẽ dẫn đến những hậu quả mà Kuznets nêu ra ở trên.

Tóm lại, để kết luận rằng kiểm soát giá là một phương tiện hữu hiệu để chống lạm phát là không chính xác dựa trên sự hiểu biết không thực tế và sai lầm về giá cả như một tập hợp các mệnh lệnh điều phối mà các cá nhân phản ứng một cách thụ động. Tuy nhiên, giá cả trong thế giới thực được tạo ra bởi sự cạnh tranh giữa người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ, và sự cạnh tranh giữa những người sản xuất về các yếu tố sản xuất. Kết quả là giá cả thị trường đóng vai trò như một tập hợp các chỉ dẫn hoặc tín hiệu đèn giao thông nếu bạn muốn dễ hình dung, để điều phối các kế hoạch của bên cầu và bên cung một cách hòa bình và hiệu quả. Nếu giá cả đóng vai trò như một “hệ thống viễn thông” như F.A. Hayek đã dạy chúng ta (1945, trang 527), thì sự can thiệp vào chức năng định hướng của giá cả thị trường không bao giờ có thể loại bỏ được lạm phát; thay vào đó, giá cả tương đối sẽ chỉ điều chỉnh theo lạm phát và các biện pháp tránh kiểm soát giá cả.

Bài viết gốc: https://www.econlib.org/library/columns/y2022/candelapricecontrols.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here