Tại sao Chúng Ta cần Chủ Nhà?

0
141

Một tài khoản với lượng người theo dõi kha khá trên Twitter tên “Existential Comics” đã đăng một tweet “đố vui” gây tranh cãi.

Mặc dù không có gì nổi bật, nhưng với hơn 345.000 người theo dõi thì cái tweet này đã thu hút được nhiều quan điểm đồng tình.

Và việc nhiều người hưởng ứng trước “câu đố” có phần ngu ngơ về kinh tế này khiến tôi ức chế và phải để ý tới.

(Existential Comics: Có 100 người sống tại một hòn đảo có 100 căn nhà. Hỏi làm cách nào phân chia tối ưu nhất?

Nếu bạn nói mỗi người mỗi căn thì chứng tỏ bạn chỉ là một kẻ ngu dốt không biết gì về kinh tế. Đáp án chính là người nào cho chủ nhà nhiều lợi ích nhất thì sẽ được thuê.

Existential Comics: Có nghĩa là 20 người nghèo nhất sẽ không được thuê, và 20 căn dư còn lại sẽ cho 3 người giàu nhất làm chỗ nghỉ dưỡng. Công thức cho ra như vậy thì chắc là đúng rồi. Kinh tế mà.)

Tất nhiên dòng tweet này là dùng để cà khịa những kẻ tham lam ủng hộ quyền tư hữu nhà ở. Sao bạn lại nhẫn tâm đi ủng hộ quyền tư hữu nhà cửa của đám chủ nhà ấy chứ! Bộ bạn không biết cái đám tham lam ấy sẽ chỉ cho những người giàu nhất thuê ở và để người nghèo bị chết cống ngoài đường sao? Vì lợi nhuận chúng sẽ làm thế đó!

Tất nhiên, ai có lòng trắc ẩn cũng đồng ý phương án là nhà ở nên được “phân phối” theo cách công bằng hơn. Chúng ta cũng không nên nghĩ tới sự bất bình đẳng vô cùng lớn giữa những người cai trị có quyền phân phối các tài nguyên quan trọng như nhà ở với những người bị bắt buộc phải tuân theo luật lệ tùy hứng của đám ấy.

Tuy nhiên, động cơ lợi nhuận lại là nguồn cơn tội lỗi trong câu chuyện này, và tin rằng việc “phân phối” công bằng hơn là đúng với luân thường đạo lý.

Dưới đây là ba điểm chính chỉ ra sự ngụy biện ở tweet vừa nêu.

Hỏng từ cấu trúc

Vấn đề dễ thấy nhất trong câu đố vui này là cách đặt vấn đề – 100 ngôi nhà đã có sẵn. Ai cũng biết là nhà cửa đâu phải tự nhiên mà có. Để xây nên chúng thì vẫn phải sử dụng sức người và sức của như đất cát, gỗ xẻ, gỗ tấm và nhiều vật liệu khác.

Những ngôi nhà phải được xây ra trước khi chúng có thể được “phân phối”. Nhưng câu đố ở trên đã bỏ qua vấn đề này, mà chỉ nói là các ngôi nhà tự dưng có mặt trên một hòn đảo, thay vì giải thích tại sao chúng lại có ở đó.

Hơn nữa, việc đánh đố trên một hòn đảo 100 người có 100 ngôi nhà không phải là quá thuận tiện hay sao?

Tại sao người ta lại chọn xây 100 căn trên đó? Giải thích hợp lí nhất là vì có 100 người trên hòn đảo.

Cái gì cơ?

Đâu phải cứ 1 người là 1 ngôi nhà. Giả sử rằng 100 người trên đảo bao gồm 20 gia đình bốn người. Trong trường hợp đó, chỉ cần 20 ngôi nhà là sẽ đủ, và 75 ngôi nhà còn lại sẽ bị bỏ trống.

Cần phải có một cấu trúc câu hỏi hợp lý để truyền đạt cho những người thợ xây biết rằng cư dân trên đảo mong muốn có bao nhiêu ngôi nhà. Nhưng trong câu đố trên thì việc này không được coi trọng lắm.

Các vấn đề về điều phối và bài toán kinh tế

Chúng ta đi đến những vấn đề tiếp theo của “câu đố vui” này, nói chính xác hơn là sự thiếu hiểu biết của tác giả về các vấn đề điều phối và tính toán kinh tế.

Như đã đề cập, tại sao các thợ xây lại chọn xây 100 ngôi nhà? Nếu nhu cầu của người dân ở mức 25 hay 50 căn thì sao? Nếu không có động cơ lợi nhuận để sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên có hạn, kết hợp với hệ thống giá cả dựa trên quyền tư hữu về tài sản, thì người sản xuất không có cách nào để đưa ra phương án thích hợp với yêu cầu của khách hàng được.

Giá cả sẽ nói cho phía sản xuất biết người dân đang cần nguồn tài nguyên nào nhất, trong khi đó động cơ lợi nhuận sẽ khuyến khích việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đó nhất. Nếu số nhà dư, giá cả sẽ giảm và phía sản xuất sẽ đầu tư vào dây chuyền sản xuất khác. Còn nếu số nhà ít thì giá sẽ được thầu cao hơn, từ đó khuyến khích việc xây thêm nhiều căn nữa. Đó là cách hoạt động của động cơ lợi nhuận.

Nếu không có quá trình phối hợp này thì làm sao xác định được sở thích của người tiêu dùng? Đây là một trong những câu hỏi mà Existential Comics (EC) không muốn bạn hỏi.

Ngay cả khi số lượng nhà cần được xây đã được giải quyết, thế còn cách những ngôi nhà đó được xây thì sao? Về mặt kỹ thuật, nó có thể được xây dựng bằng bất kỳ vật liệu nào. Nhưng không có tính toán trong khâu chọn nguyên vật liệu thì làm thế nào những người thợ xây có thể tiết kiệm chi phí xây dựng của họ?

Nói cách khác, họ có thể chọn từ gạch, gỗ xẻ, nhôm hoặc vinyl, bất kỳ chất liệu nào như kim loại hoặc PVC nào cho hệ thống ống nước,… Nếu không dự trù kinh phí, các thợ xây có thể chọn titan hoặc bạch kim cho hệ thống ống nước trong những ngôi nhà. Điều này sẽ chuyển hướng những vật liệu khan hiếm đó ra khỏi các công dụng được ưu tiên hơn như sản xuất các thiết bị y tế.

Và rồi trong xã hội sẽ bắt đầu xuất hiện sự khan hiếm nguyên vật liệu vì chúng đã được sử dụng hết trong việc xây dựng nhà ở, trong khi thép hoặc sắt rẻ và phong phú hơn thì lại thừa.

Đó là những gì EC cho rằng sẽ hiệu quả trong việc thu lợi nhuận, vừa đảm bảo được nguồn tài nguyên và hàng hóa sẽ không bị thiếu hụt cho nhu cầu của cộng đồng.

Hệ thống phân phối nào?

Tất cả các mặt hàng kinh tế khan hiếm và phải được phân phối theo một hệ thống nào đó.

Từ “câu đố vui” trên, chúng ta có thể suy luận rằng EC đang đề xuất trao quyền cho một đơn vị duy nhất hoặc cơ quan cầm quyền khác để phân phối đồng đều các nguồn lực. Bằng cách nào đó, anh ta cảm thấy điều này công bằng hơn chỉ với một hệ thống dựa trên tài sản tư nhân, trao đổi và động cơ lợi nhuận.

Nhưng làm sao để có sự công bằng? Những người thân quen với người quản lý sẽ tận dụng mối quan hệ đó, trong khi những người khác sẽ hối lộ họ để được ưu ái hơn. Người ta hy vọng rằng EC không ngây thơ đến mức nghĩ rằng việc trao cho các cá nhân những quyền hạn lớn như vậy sẽ không làm họ tha hóa. Rốt cuộc, nếu anh ta cho rằng những người làm chủ là những kẻ tham lam và không đáng tin, thì điều gì khiến anh ta nghĩ rằng những người được trao quyền cũng sẽ không trục lợi?

Hơn nữa, như lời Hayek đã dạy thì những vị trí quyền lực như vậy sẽ được thay thế bởi những ai có tham vọng lật đổ người đi trước. Cho dù đó là những kẻ đang lấn lướt tới vị trí ấy hay những kẻ đang nhen nhóm lên suy nghĩ như vậy, chắc chắn sẽ không bao lâu nữa quyền lực đó vẫn sẽ bị lạm dụng.

Kinh tế và xã hội không đơn giản đến mức nguồn lực sẵn có sẽ đáp ứng hoàn hảo cho nhu cầu của người tiêu dùng như trong câu đố vui của EC. Những người lên kế hoạch sẽ phải đưa ra quyết định phân bố các nguồn lực khan hiếm đến nơi chúng cần đến và loại bỏ những cái còn lại. Đây là công thức hoàn hảo cho sự xuất hiện của tham nhũng, và không có câu từ nào có thể diễn tả đúng nghĩa của quá trình này hơn là hệ thống cung và cầu dựa trên tài sản cá nhân.

Kết luận

Động cơ lợi nhuận là mục tiêu thường được những người theo XHCN lên án. Nhưng những ai chỉ trích nó thường hiểu sai về cách thức hoạt động của một nền kinh tế thị trường dựa trên sở hữu tư nhân. Người ta không thể đưa ra quyết định phân chia đồng đều các nguồn tài nguyên khan hiếm như nhà ở mà không xem xét đến cách thức sản xuất những ngôi nhà đó ngay từ đầu.

Hơn nữa, những nền kinh tế thị trường dựa trên sản xuất và trao đổi tài sản tư nhân đã được chứng minh là nguồn tạo ra của cải tốt nhất và là kẻ thù lớn nhất của sự nghèo đói từ trước đến giờ. Hiệu quả được thúc đẩy bởi động cơ lợi nhuận là những gì mang lại cho việc xóa đói giảm nghèo trên diện rộng và cải thiện đáng kinh ngạc mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân.

Những người như Existential Comics làm cho chúng tôi thất vọng vì đã mù quáng tin vào điều đó.

Tác giả:

Bradley Thomas

Bradley Thomas là nhà sáng lập trang web EraseTheState.com, đồng thời là nhà hoạt động tự do và nhà văn với gần 15 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu về kinh tế chính trị.

Source: https://mises.org/wire/why-we-need-landlords

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here